Năm 2005, một thanh niên 21 tuổi tên Alex Tew cần tiền để đi học đại học. Thay vì chọn công việc kiếm tiền truyền thống, anh tạo ra The Million Dollar Homepage – trang web với một triệu pixel, mỗi pixel bán với giá 1 đô la. Tew không hứa gì ngoài một pixel trong bảng quảng cáo kỹ thuật số khổng lồ, nhưng sự kỳ quặc này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Tin tức lan truyền, các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn bắt đầu mua pixel. Chỉ sau vài tháng, Tew đạt được mục tiêu triệu đô chỉ nhờ việc “bán sự chú ý.”

Câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt này lại báo hiệu một thay đổi đáng ngờ trong thời đại kỹ thuật số. Sự chú ý giờ đã trở thành một tài sản quý giá – một loại “tiền tệ” mà thương hiệu nào cũng nên biết cách tận dụng, thu hút và chuyển hóa để phát triển.

Khi sự chú ý dần trở nên thu hẹp

Hãy nghĩ đến thói quen tiêu thụ thông tin số của bạn xem. Bạn liên tục bị dội bom thông tin – quảng cáo, bài đăng mạng xã hội, tin tức, email… cho đến khi sự chú ý của bạn bị phân tán đi khắp nơi bởi luồng thông tin đồ sộ ấy. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, việc vượt qua một nơi “chật chội” thông tin như nền tảng số để thu hút sự chú ý, thật sự giống như một cuộc chạy đua mà ai cũng tìm kiếm cho mình một khoảnh khắc hiếm hoi.

Điều gì làm cho sự chú ý trở nên quý giá?

  • Sự khan hiếm: Não bộ của chúng ta có giới hạn. Với lượng thông tin liên tục dồn dập, sự chú ý trở thành tài sản quý giá và có hạn. Điều này khiến cho nó có giá trị – ai thu hút được sự chú ý sẽ có bước đầu tiên để ảnh hưởng đến khách hàng tiềm năng.
  • Ảnh hưởng: Nơi chúng ta đặt sự chú ý có tác động đến quyết định, niềm tin và hành động của chúng ta. Những doanh nghiệp thành công trong việc thu hút sự chú ý sẽ định hình những gì chúng ta xem xét, mong muốn và cuối cùng là mua sắm.
  • Ý định: Khi ai đó chọn tập trung vào thương hiệu, nội dung hay thông điệp của bạn, họ đang thể hiện sự quan tâm tiềm năng. Sự chú ý này cho thấy họ sẵn sàng tìm hiểu thêm, hình thành ý kiến hoặc đi đến quyết định thực hiện giao dịch.
  • Tạo dữ liệu: Sự chú ý luôn được ghi lại trên nền tảng số như dữ liệu. Phân tích nơi người dùng tập trung sự chú ý cung cấp cho doanh nghiệp một kho dữ kiện phong phú về sở thích, hành vi và "điểm đau", giúp thương hiệu thích ứng nội dung và tối ưu hóa chiến dịch.
  • Sự kết nối: Kết nối thực sự và lòng trung thành với thương hiệu cần sự chú ý bền vững. Những thương hiệu liên tục cung cấp giá trị và tương tác có ý nghĩa với khán giả sẽ xây dựng được mối quan hệ sâu sắc hơn.

Chiến lược thu hút sự chú ý trong thời đại kỹ thuật số

Trong bối cảnh này, việc thích ứng chiến lược tiếp thị là rất quan trọng. Dưới đây là cách để thương hiệu của bạn thu hút sự chú ý và giữ chân người dùng:

  • Sức mạnh của mục đích: Một thương hiệu có sứ mệnh rõ ràng, không chỉ vì lợi nhuận, sẽ dễ thu hút sự chú ý hơn. Hãy truyền tải tác động tích cực mà bạn mang đến cho thế giới, qua hành động cam kết với sự bền vững, trách nhiệm xã hội hoặc các giá trị phù hợp với khách hàng. Ví dụ, Ben & Jerry's nổi bật nhờ sự quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường.
  • Nghệ Thuật Kể Chuyện: Những câu chuyện thú vị sẽ lôi cuốn hơn dữ liệu khô khan. Bạn nên đem đến câu chuyện gắn kết cảm xúc, làm nổi bật trải nghiệm của khách hàng, hoặc sử dụng nhân vật có tính cách phù hợp để tạo kết nối sâu sắc. Chẳng hạn, chiến dịch “Real Beauty” của Dove đã đem đến một góc nhìn mới trong cách nhìn của ngành làm đẹp thông qua những câu chuyện có chiều sâu, chạm đến cảm xúc nhiều người.
  • Giá Trị, Giá Trị, Giá Trị: Mỗi lần thu hút sự chú ý, bạn nên tự hỏi: Lợi ích dành cho người xem là gì? Hãy cung cấp giá trị cho họ ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, cho họ thấy giá trị thương hiệu tạo ra là để giải quyết vấn đề, học hỏi, hay giải trí. Bạn có thể cung cấp bài viết hữu ích, công cụ miễn phí trước khi mong đợi điều gì từ họ. HubSpot là một ví dụ cụ thể - họ xây dựng lượng người theo dõi lớn nhờ các tài nguyên về marketing.
  • Sự Cá Nhân Hóa: Cá nhân hóa là một "đường tắt" dẫn đến sự chú ý. Bạn nên tận dụng dữ liệu, phân tích chúng để tùy chỉnh nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu người dùng. Gửi email, gợi ý sản phẩm cá nhân hoá, hoặc ghi nhớ sở thích của khách hàng sẽ gây ấn tượng đáng kể bởi điều này chứng minh bạn thực sự quan tâm đến họ. Giống như Netflix chẳng hạn, nền tảng luôn đề xuất phim dựa trên lịch sử của người xem.
  • Khai Thác Hình Ảnh: Video ngắn, đồ họa sinh động có xu hướng thu hút người xem hơn những văn bản dài dòng. Bạn có thể chuyển thông tin thành dạng hình ảnh, video ngắn, trực quan bắt mắt để làm nội dung nổi bật hơn. Như Tasty, bằng cách đăng tải những video công thức đẹp mắt và nhanh gọn, họ trở thành một ví dụ thành công trên mạng xã hội với lượt tương tác khổng lồ.
  • Nắm Bắt Khoảnh Khắc: Trong xã hội mà màn hình điện thoại di động là thứ ưu tiên, người dùng chỉ dành vài giây phút ngắn để tiêu thụ thông tin; đồng thời, sự chú ý của họ là hữu hạn. Cho nên, hãy tối dụng nội dung ngắn gọn và tối ưu chúng trên màn hình "nhỏ". Duolingo đã lý tưởng hoá thời gian chờ đợi bằng cách tạo ra những bài học ngắn trên ứng dụng điện thoại.
  • Tận dụng Sức Mạnh của Influencer: Bạn có thể hợp tác với những influencer có lượng khán giả phù hợp với tệp khách hàng mà bạn cùng hướng đến. Tuy nhiên, hãy ưu tiên sự chân thực và đem đến giá trị xác thực cho người xem. Chẳng hạn như việc GoPro hợp tác với vận động viên và cho khán giả thấy rằng sản phẩm của họ hoạt động một cách thực tế nhất.
  • Thử Nghiệm và Thích Nghi: Môi trường số luôn thay đổi. Hãy sẵn sàng thử nghiệm các định dạng mới như podcast, thực tế tăng cường, video trực tiếp,..., theo dõi kết quả và điều chỉnh chiến lược. Ví dụ, nhiều thương hiệu đã thành công khi dùng TikTok và văn hóa meme để tiếp cận giới trẻ.

Tạo Sự Chú Ý hay Làm Phân Tâm: Hãy Đặt Nguyên Tắc Đạo Đức Vào Hành Động

Trong cuộc chạy đua không ngừng nghỉ nhằm thu hút sự chú ý, có những lúc thật khó cưỡng lại việc dùng thủ thuật tinh khôn, tạo nên sức hút và thao túng không chính đáng. Những tiêu đề giật gân dễ gây hiểu lầm, thông báo đẩy lên khiến người dùng cảm thấy lo âu, hay thuật toán của mạng xã hội ưu tiên nội dung gây chia rẽ-đều là những ví dụ cho thấy sự “thèm khát” chú ý đem lại hậu quả tiêu cực.

Các thương hiệu có tâm luôn hiểu rằng việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ lâu dài với người dùng là điều mấu chốt. Họ nhận thức rằng – mặc dù việc thu hút sự chú ý là cần thiết, nhưng cách họ đạt được điều đó như thế nào lại càng quan trọng hơn. Tôn trọng trải nghiệm người dùng có nghĩa là không dùng nội dung xâm nhập một cách đột ngột, không “dội bom” các thông điệp quảng cáo liên tục, và thực hiện chiến lược mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Hơn nữa, việc cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu của họ và minh bạch trong cách sử dụng thông tin là nghĩa vụ tối thiểu của một doanh nghiệp có đạo đức.

Nền kinh tế sức chú ý luôn là một thách thức đạo đức cho các marketer. Hiển nhiên lúc nào cũng có những cám dỗ khai thác điểm yếu tâm lý để đạt được lợi ích ngắn hạn. Nhưng, những thương hiệu cần nhận ra rằng, đặt các nguyên tắc đạo đức lên hàng đầu không chỉ giúp tạo dựng lòng tin, danh tiếng tích cực mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh giành sự chú ý đầy cạnh tranh. Họ nên hiểu rằng, sự chú ý mà không tạo niềm tin chỉ là tiếng ồn không bao giờ có âm vang.

Tương lai của nền kinh tế sức chú ý

Tương lai của nền kinh tế sức chú ý (Attention Economy) sẽ phụ thuộc vào việc cân bằng giữa đổi mới và đạo đức. Các thương hiệu sẽ phải vượt xa những cách thức truyền thống của thời đại, sáng tạo hơn trong cách thu hút sự chú ý, tận dụng công nghệ mới và những trải nghiệm tương tác phong phú. Tuy nhiên, thành công của các chiến lược này sẽ nằm ở giá trị thực sự mà chúng mang lại và sự tôn trọng đối với thời gian cũng như quyền tự do của người dùng.
Người tiêu dùng sẽ ngày càng tinh tế hơn và đòi hỏi nhiều hơn đối với nội dung mà họ chọn tương tác. Họ sẽ mong muốn được biết chính xác về cách các công ty sử dụng sự chú ý của họ ra sao để tạo lợi nhuận. Những thương hiệu và nền tảng đặt niềm tin và quyền kiểm soát của người dùng lên hàng đầu, và sử dụng hình ảnh có ý thức sẽ nhận được sự trung thành cao hơn, cũng như để lại dấu ấn tốt hơn trong nền kinh tế chú ý.
Bạn có nhớ cậu thiếu niên trên YouTube từng gây sốt chỉ bằng cách review đồ chơi vài năm trước? Cậu ấy kiếm hàng triệu đô chỉ đơn giản nhờ thu hút sự chú ý của trẻ em. Tương lai sẽ thuộc về những người sáng tạo, cá nhân và doanh nghiệp không chỉ biết cách thu hút mà còn thực sự mang lại giá trị, tôn trọng thời gian và quyền tự chủ của khán giả. Cũng giống như cách cậu reviewer đồ chơi đã thu hút sự chú ý mà không cần chiêu trò phức tạp. Chỉ bằng việc đem đến điều mà khán giả của mình thực sự trân trọng, các thương hiệu trong mọi lĩnh vực được tin là sẽ thành công khi áp dụng những nguyên tắc tương tự.